a b Tivi

'Nạn nhân' gian hàng đa cấp cầu cứu cơ quan chức năng-sưu tầm

18:49 Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Gánh nợ hàng chục triệu đồng vì trót mua gian hàng online, nhiều thành viên trang MB24 cầu cứu cơ quan chức năng. Cục Thương mại điện tử cho biết chưa từng cấp đăng ký cho sàn này.
>Nhiều người 'sa bẫy' thương mại điện tử đa cấp
>Nguy cơ mất tiền oan vì mở gian hàng online đa cấp

Lên Hà Nội học liên thông đại học, Duy (Quảng Ninh) quen với một người bạn cùng lớp tên Chinh. Vốn thích tự lập, lại được Chinh giới thiệu với Công ty thương mại điện tử Tâm Mặt trời, nay đổi tên thành MB24, Duy tham gia ngay với ảo vọng kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Lần đầu đến thăm công ty, Duy thấy rất nhiều người trẻ tuổi ăn mặc lịch sự. Họ giảng giải cho Duy về mô hình kinh doanh rồi kêu hãy nắm bắt cơ hội, còn rất nhiều người đang muốn tham gia. Họ bảo, nhanh mà vào trước, Duy sẽ có cơ hội đứng trên người khác nên tiền hoa hồng sẽ rất lớn. Mua một gian hàng, Duy mất 5,2 triệu đồng, còn giới thiệu được một người, cậu được hưởng 1,5 triệu. Cứ như vậy, theo mô hình cây, Duy được hứa hẹn kiếm được cả trăm triệu mỗi tháng khi đã tạo được mạng lưới dưới mình.
Nghe lời họ, Duy mang chiếc máy tính xách tay mới mua đi cầm đồ rồi mở 3 gian hàng. Nhưng sau vài ngày thấy gian hàng “dậm chân tại chỗ”, không có ai mua thêm dưới mình, Duy hoang mang.
Nhiều người kêu cứu khi trót tham gia gian hàng điện tử đa cấp. Ảnh: TP
Nhiều người kêu cứu khi trót tham gia gian hàng điện tử đa cấp. Ảnh: TP
Đến hạn chuộc máy tính, Duy đành tích cực đi mời bạn bè tham gia để gỡ gạc tiền hoa hồng. Sau vài lần thất bại, Duy cũng rủ được cậu bạn cùng lớp. “Cậu bạn em cũng mất trên chục triệu đồng, mỗi lần gặp lại thấy ngại quá”, Duy tâm sự.
Cậu sinh viên chia sẻ, ngày đó, để có tiền chuộc laptop, phải bỏ học nửa tháng lên công trình thủy điện trên Sơn La làm phiên dịch tiếng Trung. Khi về, Duy suýt không được thi mà phải học lại. “Em không dám nói với bố mẹ vì chắc các cụ chết mất, nếu được cảnh báo sớm, em đã không mắc lừa như vậy”, Duy nói.
Trong email phản ánh với VnExpress.net, anh Hưng (Vĩnh Phúc) cho biết cũng đầu tư 60 triệu đồng vào gian hàng điện tử online của MB24. Đến nay, số tiền “mắc kẹt” tại đó, muốn rút ra không được, để kinh doanh cũng không ai mua. “Ai giúp tôi lấy lại, tôi xin làm từ thiện 20 triệu đồng”, anh Hưng chia sẻ.
Sau khi mất cả chục triệu đồng vào gian hàng điện tử đa cấp, anh Tiến ở TP HCM tìm hiểu mới biết nhiều người cũng rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang” như mình. Anh Tiến đặt câu hỏi: vai trò của các cơ quan chức năng ở đây khi để nhiều người tiêu dùng sa bẫy như vậy?
“Hóa ra không phải mình tôi là nạn nhân, một mô hình kinh doanh online chẳng phải để buôn bán hàng hóa, chỉ để lôi kéo, dụ dỗ người tham gia sao lại được phép hoạt động. Nhiều người bị lừa mà sao không có cơ quan chức năng nào vào cuộc”, anh Tiến băn khoăn.
Trong vai một người tìm hiểu gian hàng điện tử đa cấp ở MB24 (Mỹ Đình, Hà Nội), phóng viên VnExpress.net được một thành viên tên Trang giới thiệu với một nam thanh niên sinh năm 1989 với khả năng kiếm cả trăm triệu đồng mỗi tháng. “Chỉ cần bạn chăm chỉ và quyết tâm, điều đó chẳng có gì khó cả”, anh quả quyết.
Tuy nhiên, khi được đặt câu hỏi về MB24 đang bị nhiều người nghi ngờ đa cấp, lừa đảo, thành viên tên Trang giải thích: “Bạn cứ thử nghĩ xem, nếu chúng tôi lừa đảo, kinh doanh không hiệu quả thì cơ quan pháp luật đã vào cuộc, công ty đã bị đóng cửa, sao có thể còn rất nhiều người ngồi ở đây và kinh doanh như vậy được”.
Trong khi đó, khi phóng viên liên hệ qua đường dây nóng của MB24, một người đàn ông xưng tên Hữu, phụ trách về nhân sự tại đây cho biết đa cấp không phải lừa đảo, ở Việt Nam, mô hình này đã được thừa nhận. Nhưng chỉ vì một số người làm sai nên hình thức kinh doanh này mới gây ra cái nhìn không đúng. Còn về việc MB24 đang bị nghi lừa đảo, ông Hữu cho rằng, mỗi hoạt động kinh doanh đều có cái nhìn đa chiều. “Người ta thích bạn thì nói bạn hay, bạn tốt, không ưa bạn thì nói này nói kia không tốt, bận tâm làm gì, làm sao đi chặn được miệng dư luận”, ông trấn an.
Hiện lãnh đạo Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) chưa phát ngôn bất cứ điều gì sau khi hàng trăm nông dân Đắk Lắk vỡ nợ vì tham gia vào đường dây môi giới mua gian hàng ảo của công ty. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nơi MB24 đang là thành viên từ tháng 7/2011 nhận xét mô hình kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp này chưa hiệu quả. VECOM cho biết thêm, nếu cơ quan chức năng kết luận công ty này vi phạm pháp luật, sẽ căn cứ theo điều lệ để xem xét khai trừ hội viên này.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), cho biết Cục chưa từng cấp đăng ký cho Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến MB24. Theo quan điểm của cơ quan này, đây là một mô hình kinh doanh phức hợp, không phải sàn giao dịch thương mại điện tử.
Vị đại diện giải thích thêm, sàn giao dịch thương mại điện tử như một cái chợ, tức là có hàng hóa, dịch vụ, người mua, người bán... Trong khi đó, bản chất của các công ty hoạt động theo mô hình như MB24 chỉ chú trọng phát triển mạng lưới, lôi kéo thành viên bằng tiền hoa hồng chứ không tạo được giá trị cho mua bán online nói riêng và xã hội nói chung.
“Mô hình kinh doanh theo kiểu đa cấp này chỉ lấy tiền cấp dưới nuôi người cấp trên chứ không tạo ra giá trị gì. Bằng chứng là thông tin trên sàn rất sơ sài, thành viên chỉ tập trung lôi kéo người khác tham gia để gỡ vốn bằng tiền hoa hồng”, ông nói.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, dù không hiệu quả song mô hình kinh doanh này vẫn lan rộng nhanh chóng nhờ 2 lý do. Một là thực tế thương mại điện tử đang phát triển quá nhanh ở Việt Nam. Thứ hai, nguyên nhân chính là bản thân những người đã gia nhập, khi trót đóng tiền mà không kinh doanh được lại buộc phải đi lôi kéo bạn bè, họ hàng của mình vào để hưởng hoa hồng. Theo đó, chính họ lại rơi vào vòng xoáy và kéo người thân vào mạng lưới này.
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương đang hoàn thiện văn bản pháp lý, quy định chi tiết việc thực thi các mô hình thương mại điện tử ở Việt Nam. Trong đó, một số phương thức kinh doanh online có thể được hoạt động hoặc phải dừng lại.
“Thực tiễn thương mại điện tử luôn phát triển rất nhanh, có mô hình hiệu quả, có cái không. Luật quy định vừa phải đón đầu, vừa phải điều chỉnh theo hướng có ích cho xã hội và cộng đồng”, ông nói.
Song trước mắt, theo đại diện Cục, để tránh “tiền mất tật mang” khi gia nhập vào các mô hình thương mại điện tử đa cấp, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu cặn kẽ thông tin trước khi quyết định. Đơn cử, khi mua bán online hay offline, khách hàng cũng phải nhận được hóa đơn, hợp đồng. Trong đó, trước khi đặt bút ký, người mua nên đọc kỹ điều khoản trả lại gian hàng, quy định kinh doanh, quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào..., tuyệt đối không thể trao 5,2 triệu đồng cho người khác mà không nhận lại giấy tờ gì.

nguồn: 
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/07/nan-nhan-gian-hang-da-cap-cau-cuu-co-quan-chuc-nang/

bài tiếp : 

Nguy cơ mất tiền oan vì mở gian hàng online đa cấp

Hàng chục lao động Bình Dương nguy cơ mất cả trăm triệu đồng vì tham gia vào hệ thống môi giới mở gian hàng ảo trên mạng. Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho biết chưa công nhận loại hình kinh doanh này.
> Khuyến cáo của Bộ Công Thương về việc mở sàn ảo

Ông Nguyễn Thành Danh, Chi cục phó Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương choVnExpress.net biết, đơn vị này đang phối hợp cùng cơ quan chức năng xác minh, làm rõ việc hàng chục người, chủ yếu công nhân lao động được cho là đã lâm vào cảnh "biếu không tiền" cho sàn giao dịch điện tử. Sự việc liên quan đến chi nhánh Công ty Đ.H.P có văn phòng trên đường Thủ Khoa Huân, phường An Thạnh, thị xã Thuận An.
Cũng theo ông Danh, Sở Công Thương Bình Dương đã chỉ đạo bộ phận chức năng tiến hành thu thập hồ sơ, các giấy tờ liên quan đến hoạt động thương mại điện tử của chi nhánh công ty Đ.H.P, đặc biệt xem công ty có được cấp phép hoạt động tại Bình Dương hay không.
Chi cục QLTT Bình Dương làm việc với các nhân viên tố công ty Đ.H.P có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: N.T
Trước đó, nhiều nạn nhân đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của công ty Đ.H.P, mời gọi nhiều người đóng phí mở gian hàng ảo trên mạng với điều kiện hấp dẫn, nhưng không thể rút lại tiền khi ngừng tham gia.
Vào tháng 2, chị Trương Thị Hường (23 tuổi, quê ở Nghệ An) đã tìm đến xin làm sau khi xem thông tin công ty Đ.H.P tuyển dụng với điều kiện hấp dẫn như không bị gò bó thời gian, thu nhập 5 triệu đồng một tháng.
"Ngày đầu đến công ty phỏng vấn tôi bất ngờ khi được giám đốc giới thiệu về một đề án với số vốn điều lệ hơn chục tỷ đồng để phát triển hệ thống thương mại điện tử của công ty. Tôi tin tưởng đây sẽ là cơ hội kiếm được thu nhập ổn định cho mình", chị Hường nói.
Điều kiện để trở thành "nhân viên" cho công ty là phải đóng 2,8 triệu đồng. Công ty giải thích đó là lợi phí để trở thành hội viên, đồng thời được mở gian hàng trên mạng. Sau khi đóng 2,8 triệu đồng sẽ được công ty quy đổi cứ 10.000 đồng được 1T tiền điện tử, người mới gia nhập như Hường sẽ có 280T và được lập một gian hàng trên mạng.
Nhân viên phát triển thêm hội viên sẽ được trích lại hoa hồng 600.000 đồng, còn giới thiệu người mở trang web với chi phí 6 triệu đồng thì được hưởng 1,5 triệu đồng. Trong trường hợp nhân viên ngừng làm việc muốn rút tiền lại, công ty hứa thì chỉ tốn 100.000 đồng tiền làm thẻ. Ngoài ra, công ty còn đưa ra nhiều chính sách khuyến khích tương tự việc bán hàng đa cấp như phân loại nhân viên theo thứ bậc từ VIP một đến VIP 8 với nhiều ưu đãi; hay thẻ cấp thẻ đa năng, giảm giá khi mua hàng, du lịch miễn phí…
Một cựu nhân Đ.H.P đóng 2,8 triệu đồng mở gian hàng lần đầu và được công ty cấp chứng nhận ngày 15/2 . Kể từ khi vào làm nhân viên, chị chỉ có nhiệm vụ đi mời gọi những người khác tham gia mở sàn để hưởng hoa hồng, mà không có bất kỳ giao dịch mua bán nào khác. Còn chị Hường đến nay đã giới thiệu được 20 người tham gia, ngoài ra còn giới thiệu thêm 28 người khác cùng tham gia đóng tiền mở gian hàng "sàn giao dịch".
Anh Lâm Văn Hợp cũng tham gia và giới thiệu cho 14 người khác cùng "sa bẫy" như mình. Một trong những nhân viên được cho là có "năng lực" là anh Lê Văn Quý đã giúp Đ.H.P "tuyển dụng"
được 50 người tham gia sàn với số tiền lệ phí đóng vào theo quy định được 140 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều “nhân viên” cũng tích cực mở trang web đóng mức phí thêm 6 triệu đồng cho công ty.
Trong ngày 10/7, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã tiếp xúc với nhóm cựu nhân viên tố cáo bị công ty này tung “kịch bản” bán hàng đa cấp trên mạng dưới hình thức mở sàn, gian hàng ảo để chiếm đoạt tiền. Bằng chứng sau khi không làm việc nữa họ yêu cầu công ty trả lại phí nhưng không được giải quyết.
Hiện Đ.H.P chưa lên tiếng giải thích về khiếu nại của nhân viên cũ. Trong khi đó, ông Đậu Văn Từ, nguyên giám đốc Chi nhánh Công ty Đ.H.P tại Bình Dương cho hay, do đã chuyển công tác sang trang thương mại điện tử khác cũng có mô hình kinh doanh tương tự như Đ.H.P nên việc nói về công ty cũ là không tiện.
"Thương mại điện tử thực chất là như cái chợ ai muốn mua thì vào mua. Ở đây chúng tôi bán hàng nghìn sản phẩm. Riêng những người đóng lợi phí là khoản tiền nằm trong hợp đồng với công ty. Công ty có trách nhiệm thiết kế gian hàng trên mạng cho họ là nhằm để bán hàng cho công ty hoặc sản phẩm của cá nhân", ông Từ nói.
Ông Từ giải thích thêm, việc nhân viên không muốn tham gia nữa nay xin rút lại không được giải quyết do làm chưa đủ thời gian. "Nếu làm đủ thì sẽ hoàn trả lại tiền, thậm chí còn hưởng nhiều ưu đãi khác", ông quả quyết.
Theo Chi cục phó Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Danh, sau khi xem xét và làm việc bước đầu với những người tố cáo công ty Đ.H.P thì có một số vấn đề cần sớm làm rõ. Đó là, cần xác minh xem công ty có chức năng bán sàn hay gian hàng trên mạng nhưng có bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng hay không. Kế đến, nếu đã xem những người đóng tiền phí để trở thành nhân viên thì phía công ty có ký kết hợp đồng lao động, đồng thời có đảm bảo lợi ích hợp pháp theo pháp luật quy định hay không. Cuối cùng, đã gọi là hội viên thì tổ chức này thành lập đã được pháp luật công nhận hay chưa.
"Hiện chúng tôi đang khẩn trương thu thập các thông tin, hoạt động của công ty Đ.H.P theo góc độ là cơ quan quản lý trên lĩnh vực này. Riêng những yếu tố lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã được cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, xử lý", ông Danh nói.
nguồn:
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/07/nguy-co-mat-tien-oan-vi-mo-gian-hang-online-da-cap-1/

Tin mới cập nhật
Tin liên quan

Không có nhận xét nào: